Walden - Một Mình Sống Trong Rừng là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời "hai năm hai tháng hai ngày" sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, "Giọt nước của Trời", "đáng yêu hơn kim cương" trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình.
Ở Walden, ông đã số́ng nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức "Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống". Ông chủ trương sống đơn giản vì "Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người". Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.
Trích dẫn sách Walden - Một Mình Sống Trong Rừng
Walden nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống giản đơn, tự chủ, trầm tư, gần gũi thiên nhiên, vượt lên trên “sinh tồn tuyệt vọng” này, vốn là số mệnh của đa số người. Trong chương “Trại Baker” Thoreau kể một buổi chiều lang thang trong rừng, ông gặp mưa dông và phải vào trú nhờ căn nhà tối tăm nhếch nhác của John Field, một tá điền Ai Len không xu dính túi nhưng cần cù lao động, với vợ và con anh ta. Thoreau thuyết phục Field hãy sống đơn giản nhưng độc lập bằng cách vào rừng để thoát khỏi cả chủ đất lẫn chủ nợ, nhưng anh chàng người Ai Len này từ chối vì không sao dứt bỏ được những khao khát xa hoa và tiếng gọi của “giấc mơ Mĩ”.
(Trích Lời giới thiệu, Walden – Một mình sống trong rừng, Henry David Thoreau, NXB Tri Thức 2016)
[...]
Một nông dân nói với tôi: “Anh không thể chỉ sống bằng rau quả, vì nó không cung cấp thứ làm cho xương chắc khỏe" và như vậy ông ta thành kính dành một phần của ngày để cung cấp cho cơ thể ông ta nguyên liệu cho bộ xương; trong khi nói ông ta vẫn bước sau con bò, mà, với bộ xương làm từ cỏ, nó vẫn kéo ông ta đi phăng phăng bất chấp mọi vật cản.
Có một số thứ thật cần thiết cho đời sống trong phạm vi nào đó, còn phần lớn thì vô dụng và không lành mạnh, ở những người này chúng chỉ là đồ xa xỉ, ở những người khác chúng hoàn toàn không được biết tới.
...
Chúng ta có thể thử cuộc đời ta bằng hàng nghìn phép thử đơn giản; chẳng hạn như, cùng một mặt trời làm chín đậu của chúng ta cùng lúc chiếu cả một hệ hành tinh giống như trái đất của chúng ta. Những vì sao là đỉnh của những tam giác tuyệt vời nào! Những con người xa nhau và khác nhau trong những ngôi nhà muộn hình muôn vẻ trong vũ trụ đang ngắm nguyện điều gì với cùng một đấng và trong cùng một lúc! Thiên nhiên và đời sống con người cũng đa dạng như những thể tạng của chúng ta. Ai có thể nói cuộc đời sẽ đem tương lai nào đến cho người khác? Nhìn qua mắt của nhau có làm xảy ra một phép lạ nào không, chẳng hạn? Chúng ta có thể sống mọi thời đại của thế giới này trong một giờ, hay sống trong mọi thế giới của các thời đại? Lịch sử, Thơ ca, Huyền thoại! - tôi biết việc đọc kinh nghiệm của người khác không thể cho ta ngạc nhiên sửng sốt và nhiều hiểu biết như những thứ này có thể cho ta.
Phần lớn những gì những người láng giềng của tôi cho là tốt, tôi trong thâm tâm cho là xấu, và nếu tôi ăn năn về một việc gì đó, rất có thể nó là một hành vi tốt của tôi.
(Trích chương Kinh tế)
Mục lục sách Walden - Một Mình Sống Trong Rừng
- Lời giới thiệu
- Chương 1. Kinh tế
- Chương 2. Tôi Sống Ở Đâu và Sống Bằng Gì
- Chương 3. Đọc
- Chương 4. Những âm thanh
- Chương 5. Cô đơn
- Chương 6. Các vị khách của tôi
- Chương 7. Ruộng đậu
- Chương 8. Làng
- Chương 9. Những cái đầm
- Chương 10. Trại Baker
- Chương 11. Luật tối thượng
- Chương 12. Những láng giềng hoang dã
- Chương 13. Sưởi ấm ngôi nhà
- Chương 14. Những cư dân cũ & Những vị khách mùa đông
- Chương 15. Những con vật mùa đông
- Chương 16. Đầm trong mùa đông
- Chương 17. Mùa Xuân
- Chương 18. Kết luận