Tịnh Độ chỉ cho quốc độ thanh tịnh, sát độ trang nghiêm, cũng chính là xứ sở trang nghiêm của công đức thanh tịnh. Là nơi chư Phật Bồ Tát vì độ hoá tất thảy chúng sanh mà đạt được mọi thành tựu từ việc phát quảng đại bổn nguyện lực. Vì có tất thảy chư Phật Bồ Tát của thập phương tam thế nên có được thập phương vô lượng Tịnh Độ.
Tương tự, sự thị hiện thành đạo của đức Thích Ca Mâu Ni Phật là do bổn nguyện của ngài cũng là tịnh hoá nhân gian, hy vọng chuyển hoá uế độ Ta Bà trở thành quốc độ thanh tịnh. Đại sư Thái Hư từng nói rằng: “Luật lấy tam thừa làm nền tảng chung, tịnh lấy tam thừa làm nơi dựa dẫm chung”. Ý nghĩa của nó là, “giới luật” là nền móng chung của tam thừa, “Tịnh Độ” là mảnh đất lý tưởng mà mọi người đại tiểu thừa cùng tín ngưỡng và hướng vọng. Có thể nói rằng, trong nhân gian hiện thế, tư tưởng Tịnh Độ mang ý nghĩa và giá trị tích cực, và cũng là pháp môn quan trọng của tu hành.
Người bình thường khi nghe đến Tịnh Độ thì tự nhiên cho là Tịnh Độ Di Đà; hễ nói đến niệm Phật bèn cho là niệm A Di Đà Phật. Điều này là do ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt hoằng dương tư tưởng Di Đà. Kỳ thực, ngoài Tịnh Độ Di Đà ra còn có Tịnh Độ Di Lặc, Tịnh Độ Dược Sư, Tịnh Độ Hoa Tạng, Tịnh Độ Duy Ma, cũng như Tịnh Độ Nhân gian của hiện thế.
Ở đây chủ yếu bàn về Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, Tịnh Độ Đông Phương Lưu Ly của Phật Dược Sư, Tịnh Độ Đâu Suất của Bồ Tát Di Lặc. Phần tiếp theo sẽ giới thiệu sơ lược kinh điển căn cứ của ba Tịnh Độ nói trên.