Trên trời là vầng trăng lẻ, dưới đất là người cút côi. Theo chân những con người cút côi đó, tác phẩm vẽ ra hành trình tầm đạo của hai thầy trò thời hiện tại xuống núi “nhập thế” gặp phải trận đại dịch. Song song là chuyến đi được hư cấu hoá về thầy Trần Huyền Trang ở Đại Đường xa xưa vượt bao gian khổ hòng thỉnh được chân kinh. Họ như vầng trăng côi lang thang trên trời đất, bất tử với thời gian.
Tác phẩm truyện dài "Bể Trăng Côi" với các nhân vật xưa - nay, xấu - đẹp đang trầm luân giữa các biến cố của đời sống, nhất là trong đại dịch. Người chọn hướng nội và người chọn hướng ngoại, nhưng tất thảy đều mãi loay hoay với thân và tâm, với bản chất của hiện hữu.
Dịch bệnh, thiên tai, nhân họa tàn khốc nào rồi cũng sẽ qua đi, còn lại đây những con người bé nhỏ có dám vượt qua được chính mình, để hiện hữu trên mặt đất này tự tại như vầng trăng côi ngự sáng trên bể đời xáo động?
Trích dẫn sách Bể Trăng Côi
"trên thế gian này từng trải qua trận đại dịch trong đại dịch đó từng có nỗi đau mất mát chữa lành"
"trên thế gian này từng có một Huyền Trang bằng xương da và cũng từng có một Huyền Trang trong trí tưởng tượng của Ngô Thừa Ân"
"có nỗi đau, có mất mát, có chữa lành, có Huyền Trang nhưng cả hai giọt nước rơi ra từ một đám mây cũng không giống nhau nên mọi con người, sự vật, nơi chốn trong cuốn sách này xét cho cùng chỉ là giọt mưa bay trong thế giới hư cấu của tác giả"
"cuộc sống là một sự vượt qua, một sự vượt qua đầy đau đớn. Đôi khi ta tưởng mình đã qua rồi, còn một sải tay là chạm được bờ nhưng lại hụt hơi chìm xuống. Đôi khi ta cứ đứng mãi bên này nhìn sang bờ bên kia mà ao ước trở thành kẻ ước ao muôn đời."